Lịch sử hoạt động HMS Royal Oak (08)

Chiến tranh Thế giới thứ nhất

Royal Oak trong trận Jutland, tranh màu nước vẽ bởi William L. Wyllie thuộc Hàn lâm viện Hoàng gia

Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã diễn ra gần hai năm khi Royal Oak được đưa vào hoạt động. Nó được phân về Đội 3 của Hải đội Thiết giáp hạm 4 thuộc Hạm đội Grand Anh Quốc, và trong vòng một tháng, được lệnh cùng với hầu hết hạm đội đối đầu với Hạm đội Biển khơi Đức trong trận Jutland. Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Crawford Maclachlan,[9] Royal Oak rời Scapa Flow chiều tối ngày 30 tháng 5 cùng các thiết giáp hạm Superb, Canada và soái hạm của Đô đốc John JellicoeIron Duke.[10][11] Trong trận chiến bất phân thắng bại vào ngày hôm sau, Royal Oak đã bắn tổng cộng 38 quả đạn pháo 380 mm (15 inch) và 84 quả 152 mm (6 inch),[12] bắn trúng ba phát vào chiếc tàu chiến-tuần dương Đức Derfflinger, loại khỏi vòng chiến một trong các tháp pháo của nó, cùng một phát trúng vào tàu tuần dương Wiesbaden. Bản thân nó tránh được thiệt hại, cho dù vào một lúc trong trận đánh nó phải chịu đựng hỏa lực pháo bắn tới.[13]

Sau trận đánh, Royal Oak được cho chuyển sang Hải đội Thiết giáp hạm 1. Vào ngày 5 tháng 11 năm 1918, tuần lễ cuối cùng của Đệ Nhất thế chiến, nó đang thả neo ngoài khơi Burntisland tại Firth of Forth cùng với tàu sân bay Campania (nguyên là một tàu biển chở khách từng đoạt giải Blue Riband của hãng tàu Cunard Line trước khi cải biến thành tàu sân bay nhằm phục vụ trong chiến tranh) và tàu chiến-tuần dương Glorious. Một cơn gió lốc bất ngờ mạnh đến cấp 10 đã khiến Campania bị đứt dây neo và va chạm với Royal Oak rồi với chiếc Glorious tải trọng 22.000 tấn. Cả Royal Oak và Glorious chỉ bị hư hại nhẹ; nhưng Campania bị thủng lườn tàu do cú va chạm ban đầu với Royal Oak. Phòng động cơ của con tàu bị ngập nước, và nó nghiêng về phía đuôi và chìm năm giờ sau đó cho dù không có tổn thất về nhân mạng.[14]

Vào cuối Thế Chiến I, Royal Oak đã hộ tống nhiều tàu chiến thuộc Hạm đội Biển khơi Đức đã đầu hàng đi từ Firth of Forth đến nơi bị chiếm giữ ở Scapa Flow,[15] và đã hiện diện trong một buổi lễ tại Pentland Firth để chào đón những con tàu khác khi chúng nối gót.

Giữa hai cuộc thế chiến

Đại tá Hải quân Kenneth Dewar, bị đưa ra tòa án binh năm 1928

Việc tái bố trí Hải quân Hoàng gia trong thời bình đã chuyển Royal Oak sang Hải đội Thiết giáp hạm 2 thuộc Hạm đội Đại Tây Dương. Được hiện đại hóa trong những năm 1922-1924, nó được chuyển sang Hạm đội Địa Trung Hải vào năm 1926 và đặt căn cứ tại cảng Grand thuộc Malta.

Vào đầu năm 1928, tại đây đã chứng kiến một sự kiện nổi tiếng mà báo chí đương thời gán cho cái tên "Cuộc binh biến Royal Oak".[16] Những gì bắt đầu đơn giản chỉ là một sự bất hòa giữa Chuẩn Đô đốc Bernard Collard và hai sĩ quan cao cấp trên Royal Oak là Đại tá Hải quân Kenneth Dewar và Trung tá Henry Daniel về ban nhạc của buổi dạ vũ trong phòng sĩ quan,[b] đã chuyển thành một mối hiềm thù cá nhân gay gắt kéo dài nhiều tháng.[17] Dewar và Daniel buộc tội Collard về việc "bới móc trả thù" và công khai làm nhục và xúc phạm họ trước mặt thủy thủ đoàn; đáp trả lại, Collard buộc tội chống lại hai người không tuân hành mệnh lệnh và đối xử với ông ta "tệ hơn là một học viên sĩ quan".[18] Khi Dewar và Daniel gửi thư than phiền lên cấp trên trực tiếp của Collard, Phó Đô đốc John Kelly, ông này lập tức chuyển thẳng lên Tổng tư lệnh, Đô đốc Sir Roger Keyes. Khi nhận ra mối quan hệ giữa hai người và vị Đô đốc đã đổ vỡ không thể hàn gắn được, Keyes cách chức cả ba người và gửi họ quay trở về Anh Quốc, trì hoãn một cuộc tập trận hải quân lớn.[19] Báo chí tung câu chuyện ra toàn thế giới, mô tả sự việc, với một chút cường điệu, như một cuộc "binh biến".[20] Sự quan tâm của công chúng lên đến mức dấy nên nỗi lo ngại của Vua George V, người đã cho triệu kiến Bộ trưởng Hải quân William Bridgeman để yêu cầu giải thích.[20]

Hình ảnh
"Syncopated discipline recital on the Royal Oak"
Tòa án quân sự về vụ "Binh biến" bị đả kích trên báo chí: một biếm họa Evening Standard được vẽ bởi David Low.[21]

Do những lá thư than phiền, Dewar và Daniel bị buộc tội, theo cách khá tranh luận, vì đã viết ra những tài liệu mang tính lật đổ.[22] Trong hai phiên tòa án quân sự được báo chí theo dõi thật chi tiết, cả hai bị xem là có tội và bị khiển trách nặng nề, dẫn đến việc Daniel từ nhiệm khỏi Hải quân. Bản thân Collard bị báo chí và Quốc hội phê phán nặng nề vì đã quá đáng trong cách cư xử, và sau khi được Bridgeman báo trước là "không phù hợp để giữ những vị trí chỉ huy cao cấp",[23] bị buộc phải nghỉ hưu khỏi phục vụ.[24]

Trong ba người, chỉ có Dewar tiếp tục nghề nghiệp của mình,[25] cho dù bị tổn hại: ông tiếp tục ở lại phục vụ trong Hải quân Hoàng gia qua một loạt các chức vụ nhỏ và một năm sau đó được thăng Chuẩn Đô đốc một ngày trước khi nghỉ hưu.[26] Daniel dự tính hành nghề nhà báo, nhưng sau khi dự định này cùng các cuộc phiêu lưu khác không thành công, ông biến mất trong tối tăm và sức khỏe kém tại Nam Phi.[27] Collard lui về cuộc sống dân sự và không bao giờ tuyên bố công khai về sự kiện này lần nào nữa.

Vụ xì căng đan chứng tỏ một sự tổn hại đến danh tiếng của Hải quân Hoàng gia, vốn đang là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới vào thời đó, và nó bị chế nhạo ở trong nước lẫn nước ngoài qua những bài xã luận, tranh châm biếm,[28] và ngay cả một vở oratorio jazz hài được viết bởi Erwin Schulhoff.[29] Một hậu quả của sự việc bị tổn hại này là quyết định của Bộ Hải quân xem xét lại những phương cách mà sĩ quan hải quân có thể sử dụng để than phiền về thái độ của cấp trên.[23]

Nội chiến Tây Ban Nha

Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, Royal Oak được giao thực hiện các cuộc "tuần tra không can thiệp" chung quanh bán đảo Iberia. Trong một chuyến tuần tra như vậy cách Gibraltar khoảng 55 km (30 hải lý) về phía Đông vào ngày 2 tháng 2 năm 1937, nó bị ba máy bay của lực lượng Cộng Hòa tấn công. Chúng đã ném ba quả bom (chỉ có hai quả phát nổ) ở khoảng cách 500 m bên mạn phải mũi con tàu, cho dù không gây ra thiệt hại gì.[30] Đại biện Ngoại giao Anh Quốc đã phản kháng sự kiện này lên Chính quyền Cộng hòa, vốn đã nhìn nhận lỗi lầm và đưa ra lời xin lỗi về cuộc tấn công.[31][32] Đến cuối tháng đó, đang khi ở ngoài khơi Valencia vào ngày 23 tháng 2 năm 1937; trong khi đang xảy ra một cuộc không kích của phe Quốc gia, Royal Oak bị bắn trúng một quả đạn pháo phòng không từ một vị trí của phe Cộng hòa,[30] khiến năm người bị thương, kể cả thuyền trưởng của Royal Oak là T.B. Drew.[33] Tuy nhiên người Anh đã không phản kháng phe Cộng hòa trong dịp này, cho rằng sự kiện trên là một "thiên tai".[34] Sang tháng 5 năm 1937, nó cùng với chiếc HMS Forester đã hộ tống SS Habana, một tàu biển chở hành khách, vận chuyển trẻ em Basque tị nạn sang Anh Quốc.[35] Đến tháng 7, khi chiến sự tại phía Bắc Tây Ban Nha bùng lên, Royal Oak đã cùng với thiết giáp hạm HMS Resolution cứu thoát chiếc tàu hơi nước Gordonia khi các tàu chiến phe Quốc gia tìm cách chiếm nó ngoài khơi Santander. Tuy nhiên vào ngày 14 tháng 7 nó đã không thể ngăn cản tàu tuần dương phe Quốc gia Almirante Cervera chiếm giữ chiếc tàu chở hàng Anh Molton khi chiếc này tìm cách vào Santander. Chiếc tàu buôn đang tham gia triệt thoái những người tị nạn.[36]

Cùng thời gian này, Royal Oak tham gia cùng 14 tàu chiến khác của Hải quân Hoàng gia trong cuốn phim Anh Our Fighting Navy năm 1937, cốt truyện xoay quanh một cuộc đảo chính tại một nước cộng hòa hư cấu Bianco tại Nam Phi. Royal Oak đóng vai một thiết giáp hạm nổi loạn El Mirante, khi lực lượng nắm quyền buộc một thuyền trưởng Anh phải chọn lựa giữa người yêu hay nghĩa vụ của ông.[37] Cuốn phim không được giới phê bình đón nhận, nhưng cũng có được các cảnh quay ấn tượng về các hoạt động hải quân.[38]

Chiến tranh Thế giới thứ hai

Royal Oak đưa di hài của Hoàng hậu Maud quay trở về Na Uy

Vào năm 1938, Royal Oak được cho quay lại Hạm đội Nhà và được đặt làm soái hạm của Hải đội Thiết giáp hạm 2 đặt căn cứ tại Portsmouth. Ngày 24 tháng 11 năm 1938, nó đưa di hài của Hoàng hậu Maud của Na Uy vốn sinh trưởng tại Anh quay trở về Na Uy để cử hành lễ quốc tang tại Oslo, với chồng là Vua Haakon VII cùng đi theo trên tàu.[39] Được cho ngừng hoạt động vào tháng 12 năm 1938, Royal Oak tái hoạt động vào tháng 6 tiếp theo, rồi đến mùa Hè năm 1939 thực hiện một chuyến đi huấn luyện ngắn tại eo biển Anh Quốc chuẩn bị cho một đợt bố trí kéo dài 30 tháng tại Địa Trung Hải, khi thủy thủ đoàn được phát trước những bộ đồng phục nhiệt đới.[40] Do tình trạng chiến tranh có thể xảy ra, chiếc thiết giáp hạm lại được chuyển hướng lên phía Bắc đến Scapa Flow, và nó neo đậu tại đây khi chiến tranh được tuyên bố vào ngày 3 tháng 9.[41]

Vào tháng 10, Royal Oak tham gia truy tìm chiếc tàu chiến-tuần dương Đức Gneisenau, vốn nhận được lệnh tiến vào Bắc Hải nhằm đánh lạc hướng cho các thiết giáp hạm bỏ túi DeutschlandAdmiral Graf Spee tiến hành các hoạt động cướp tàu buôn.[42] Cuộc tìm kiếm không mang lại kết quả, đặc biệt là đối với Royal Oak, khi tốc độ tối đa vào lúc đó chỉ có chưa đến 37 km/h (20 knot), không đủ để theo kịp phần còn lại của hạm đội.[42] Ngày 12 tháng 10, Royal Oak quay trở về Scapa Flow trong tình trạng kém, méo mó bởi những trận bão tại Bắc Đại Tây Dương, nhiều thuyền cứu sinh bị vỡ và nhiều khẩu pháo cỡ nhỏ không hoạt động.[42][43] Nhiệm vụ vừa qua đã bộc lộ sự lạc hậu của một tàu chiến cũ 25 tuổi.[42] Lo ngại về một cuộc do thám trên không gần đây của máy bay trinh sát Đức báo trước một cuộc không kích sắp xảy ra tại Scapa Flow, Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Nhà Charles Forbes ra lệnh cho phần lớn hạm đội phân tán đến các cảng an toàn hơn. Tuy nhiên Royal Oak được giữ lại, các khẩu pháo phòng không của nó được xem là một bổ sung hữu ích vào hệ thống phòng thủ tại Scapa Flow còn đang khan hiếm.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS Royal Oak (08) http://www.adus-uk.com/TheFallenOak.html http://www.firstworldwar.com/atoz/scapaflow.htm http://www.maritimequest.com/warship_directory/gre... http://hansard.millbanksystems.com/commons/1939/oc... http://heritage.scotsman.com/videos.cfm?vid=77 http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.exil-archiv.de/html/biografien/schulhof...